Viên chè trôi nước tròn trịa, tinh tế là 1 hình ảnh quen thuộc đối với tất cả mọi người. Hôm nay mình cũng nấu chè trôi nước nhưng mang 1 màu sắc khác, một vẻ đẹp thoát tục, tươi tắn, rất thích hợp cho cúng kiến, tiệc, ngày rằm, ngày lễ tết và những dịp quan trọng trong năm. Đó là chè trôi nước hình trái đào.

1. Nguyên liệu:
+ Vỏ bánh:
– Bột nếp rấm ngon: 500g
– Khoai cù lần (khoai lang trắng): 400g (sử dụng 300g)
+ Nhân bánh:
– Đậu vàng (đã được đãi vỏ): 250g
– Đường: 150g
– Dừa nạo: 150g
– Đường phèn: tùy khẩu vị (1,5 lít nước => 500 đường)
– Màu hồng, xanh
– Mè

2. Chuẩn bị:
– Nồi, thau
– Rang mè

3. Cách làm:
+ Nhân:
– Rửa vo sạch đậu. Ngâm đậu từ 30 phút đến 1 tiếng cho đậu mềm. Khi đậu mềm vớt ra để ráo rồi cho vào nồi.

– Vắt lấy nước cốt đặc 1 ít, tiếp tục vắt dừa dảo cho vào nồi đậu, sao cho nước dảo hơn mặt đậu một chút.

– Bắc nồi lên bếp nấu (đừng đậy nắp, sợ tràn).

Khi đậu đã chín mềm, tắt bếp. Cho đậu và nước cốt đặc vào máy sinh tố xay nhuyễn. Cho đậu vừa xay vào chảo chống dính và thêm 150g đường vào trộn đều. Bắc lên bếp sên lửa vừa, dùng phới hay đũa đảo đều liên tục.

Thấy đậu hơi sánh lại, vặn lửa nhỏ đến khi đậu dẻo thành khối, dùng tay ấn nhẹ thấy đậu không dính tay là được, tắt bếp.

Khi đậu còn ấm vò viên nhân cho dễ, mỗi nhân khoảng 15g, sau khi vò xong cho nhân vào hộp có nắp đậy để nhân không bị khô.

+ Tán khoai:
– Rửa khoai sạch sẽ, cho khoai vào nồi, chế nước ngập khoai và bắc lên bếp nấu, đậy nắp nồi.
– Khi khoai rút nước gần cạn, dùng nĩa ghim trên khoai, thấy mềm chín thì tắt bếp. Lấy khoai ra, lột vỏ cho thật sạch rồi tán nhuyễn (lưu ý: tán khi còn ấm sẽ dễ tán hơn).

 

+ Nhồi bột và chia màu:

– Cho 500g bột ra thau cùng với 300g khoai đã tán nhuyễn và cho vào 1 ít muối, trộn thật đều. Sau đó chia làm 6 phần. Lấy 1/6 ra thau thứ 2 và lấy 1/6 ra thau thứ 3.

– Cho nước ấm từ từ vào thau bột nhiều, làm màu trắng, nhồi đến khi mềm dẻo là được. Ủ bột trong khoảng 1 tiếng.

– Sau đó chuẩn bị 1 tô nước ấm và nhỏ vài giọt màu hồng hòa tan màu và chế nước màu hồng từ từ vào thau bột thứ 2, nhồi mềm dẻo. Ủ bột.

– Kế tiếp là 1 tô nước ấm và nhỏ vài giọt màu xanh, hòa tan màu và chế nước màu xanh từ từ vào thau thứ 3, nhồi và ủ bột tương tự.

+ Vò viên chè:

– Sau khi bột ủ xong, chuẩn bị mâm và bọc ráp sẵn trên mặt mâm (cho viên chè không bị dính).

– Vò viên màu trắng 25g cho vào mâm.

– Tiếp tục vò viên màu hồng, màu xanh nhỏ như bánh men.

 

– Để viên màu hồng lên trên viên bột màu trắng.

– Ấn nhẹ viên hồng xuống, vo đều.

– Ấn dẹp viên bột xuống, mặt phải có 2 màu

– Để nhân vào giữa mặt trái màu trắng

– Sau đó gói bột lại, vo tròn

– Rồi nắn hình trái đào

– Và dùng cán dao khía cạnh trái đào

– Cuối cùng trang trí 2 lá xanh vào trái đào, nếu bột khô thì sử dụng 1 ít dán vào lá.

– Sau khi nắn trái đào xong, cho đào ra mâm để nhẹ tay cho trái đào không bị biến dạng.

+ Nấu chè:
Sau khi nắn bột hoàn tất. Bắc 2 nồi lên bếp (1 nồi nước đường, 1 nồi nước luộc).
Cho đường phèn vào nồi thứ (1). Khi nước sôi, đường tan vớt chỉ trong đường (nếu có), nêm nếm độ ngọt theo sở thích, vặn lửa nhỏ.

Bây giờ nồi nước thứ (2) cũng đã sôi. Cho từ từ viên trái đào vào nồi (khoảng 6, 7 trái). Khi trái đào nổi lên thì dùng vá có lỗ vớt qua nồi nước đường, cứ làm như vậy cho đến hết.
Khi hết trái đào, nồi chè cũng sôi đều. Tắt bếp.

Nhận xét chè trái đào:
Chè trái đào cũng như những viên chè trôi nước khác, cũng mang vẻ đẹp tươi tắn, ăn mềm dai, vị ngọt ngào, tuy viên chè không tròn trịa nhưng vô cùng xinh xắn dễ thương.
Vài lưu ý khi nấu chè trái đào:
+ Khoai: chọn khoai lang trắng, bóc vỏ thật sạch cho khoai bột thật trắng thì viên chè mới sang.
+ Đường: chọn đường phèn cho viên chè được trong, óng ánh.
+ Màu: sử dụng ít cho viên chè được sang đẹp. Màu xanh cũng có thể dùng màu thiên nhiên (lá dứa) nhưng hơi lâu. Riêng màu hồng đào nên dùng màu thực phẩm để đào được tươi sang, giống thật. Không sử dụng màu củ dền, thanh long, vì củ dền không cho ra màu hồng tươi, thanh long khi nấu nhiệt độ cao sẽ biến thành màu cam không phù hợp.
+ Bạn nên mua màu chất lượng (mình mua ít màu ở tiệm bánh kem, màu chất lượng đặc nên sử dụng ít là đủ rồi).
+ Chè trái đào để mè, hạn chế để gừng vì gừng làm nước đường đục, viên chè không còn trong.
Nếu sử dụng gừng, nấu nồi nước đường nhỏ cho gừng vào nấu, khi ăn múc chè ra chén rồi cho gừng vào.
+ Nấu chè trái đào tốn nhiều thời gian nắn bột nên các bạn nấu ít bột thôi.
+ Chè trái đào nhìn rất thoát tục, thích hợp cho những ngày lễ rằm, nấu chè trái đào bằng bột cũng rất thú vị, các bạn nên thử làm nhé!

Chúc các bạn nấu chè trái đào thành công.